Hiện nay, phong trào chơi hồ nuôi cá cảnh khá phổ biến từ hộ gia đình, nông thôn đến các thành phố lớn. Tuy nhiên đa số người nuôi cá đều làm theo cảm hứng, thú vui và cả phong thủy mà ít hiểu biết về bệnh lý, sinh lý dịch, cũng như mơ hồ về các loại bệnh thường gặp ở cá cảnh. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tìm hiểu về những căn bệnh phổ biến ở cá cảnh để biết cách chữa trị và phòng tránh.
Tham khảo thêm nhiều bài viết hay về cách nuôi và chăm sóc cá cảnh tại đây
Tìm hiểu nguyên nhân cá cảnh thường dễ bị bệnh
Thường thì các loại cá cảnh đều có kích thước nhỏ, nuôi trong môi trường bể vốn bị hạn chế diện tích nên có rất nhiều tác nhân gây ra bệnh ở cá cảnh.
Do oxy trong nước
Bể cá không cung cấp đủ oxy hoặc thừa oxy đều có thể ảnh hưởng đến khả năng sống sót của cá. Cụ thể:
Nếu không đủ oxy, cá không hô hấp như bình thường được, dẫn đến thiếu oxy, cơ thể yếu dần. Còn nếu bể dùng máy sục khí có công suất quá lớn, lượng oxy vượt ngưỡng cho phép cũng làm cho cá bị ngộp oxy, lâu ngày mệt mỏi và dễ chết.
Do môi trường nước
Cá cảnh rất nhạy cảm với nhiệt độ, độ cứng, nồng độ PH của nước. Nếu các yếu tố này thích hợp thì cá sẽ sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh. Còn nếu có sự chênh lệch lớn ví dụ như chuyển sang mùa lạnh ở khu vực miền Bắc, nhiệt độ giảm nhanh, hoặc từ mùa đông lạnh sang xuân ấm cũng làm cá bị bệnh
Vi khuẩn có hại trong nước
Trong nước lúc nào cũng tồn tại vi khuẩn có hại do thức ăn thừa, do chất thải của cá… Nếu không biết cách vệ sinh, vi khuẩn nhanh chóng phát triển, lây lan, xâm nhập vào cơ thể cá để gây bệnh.
Do chất lượng cá mua
Nếu lúc mua mà bạn chọn loại cá yếu ớt, tiềm ẩn bệnh trong người, hoặc những loại cá không phù hợp với nhau nuôi chung trong bể thì tình trạng cắn nhau, lây bệnh cho nhau làm cá chết hàng loạt là điều rất dễ xảy ra. Do đó, người mua cần biết cách chọn lựa, xem xét kỹ lưỡng khi mua cá.
Các bệnh thường gặp ở cá cảnh
Cá là loại sinh vật dễ nuôi nếu như nắm rõ được kỹ thuật và hiểu biết được các loại bệnh của cá để chữa trị kịp thời tránh gây tổn thất. Dưới đây là các loại bệnh trong khi nuôi cá cảnh và cách trị các bệnh hiệu quả.
Bệnh đốm trắng ở cá cảnh
Nguyên nhân: Do ký sinh trùng đơn bào gây ra, phát triển thành ba giai đoạn là dưỡng thể ký sinh trùng quả dưa, sang thể trưởng thành rồi cuối cùng phân chia bơi tự do để tìm vật chủ. Khi thấy cơ thể cá phủ đầy những nốt nhỏ màu trắng mọc khắp mình thì đó là dấu hiệu cá bị bệnh đốm trắng. Lúc đó, cần nhanh chóng chữa trị vì loại bệnh này có thể lây rất nhanh.
Cách trị bệnh: Trước tiên, giảm số lượng cá trong bể để cá có không gian bơi lội, kéo dài thời gian phơi nước khi thay bể cá. Từ từ tăng nhiệt độ nước lên 1ºC mỗi giờ cho đến khi đạt đến 28-30ºC. Pha vào 1g thuốc tím vào 1 lít nước hoặc pha nước với muối và thuốc. Sau 3 ngày thay nước, cá sẽ bớt bệnh.
Bệnh đường ruột ở cá cảnh
Triệu trứng: Khi cá bị đường ruột hay đi phân trắng, sình bụng, cá thường núp vào một góc và bỏ ăn, bụng trương lên 5-6 tiếng mà không xẹp lại và xuất hiện những sợi trắng kéo dài từ lỗ hậu môn.
Nguyên nhân: Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh đường ruột, phổ biến nhất là do thức ăn ôi thiu, để quá lâu, thức ăn chưa được rã đông hoặc có thể do môi trường nước thay đổi đột ngột dẫn đến cá bị sốc.
Cách trị bệnh: Căn bệnh đường ruột phải chữa từ chứ không thể hết ngay được và cần sử dụng đúng phương pháp, đúng thuốc.
Trước tiên, bật sưởi oxy để hỗ trợ hô hấp cho cá, sau đó dùng thuốc Metronidazol dưới dạng viên nén, một viên nén thuốc cho cá cảnh được sử dụng với 15 lít nước. Sau 24 giờ, thay 30% nước và cho thêm 1 viên vào. Trong thời gian này, tuyệt đối không được cho cá ăn vì dạ dày cá còn rất yếu, dễ dẫn đến tình trạng nặng hơn.
Cá bị nhiễm nấm
Nguyên nhân: Do chất lượng nước kém, vệ sinh bể chưa sạch, có cá chết trong bể hay có sự phân hủy nhiều các chất hữu cơ khác.
Cách xử lý hồ cá bị nấm: Phải đảm bảo nguồn nước trong bể luôn sạch sẽ, cải tạo bộ lọc nước, cá mới mua về phải thả riêng và khử sạch bệnh trước khi cho vào bể, dùng sưởi tăng nhiệt độ bể cá nên 30-32ºC. Dùng thuốc methylen (khoảng 3-5 giọt/20l nước), thay liên tục một lần mỗi ngày. Có thể trị nấm cho cá bằng muối theo cách rải muối vào bể cá. Nhưng phải đảm bảo muối đã được hòa tan hết trong nước, dùng muối ăn, không dùng muối I -ốt.
Bệnh xuất huyết mùa xuân
Nguyên nhân: Bệnh này do virus Rhabdovirus carpio gây ra trên các loài thuộc bộ cá chép, xảy ra vào giai đoạn giao mùa giữa đông và xuân, khi nhiệt độ nước xuống thấp hơn 18 độ C. Nếu chất lượng nước kém, nuôi cá với mật độ dày, khí hậu chuyển giao lạnh sang nóng thì tình trạng cá bị xuất huyết rất dễ xảy ra, tỷ lệ cá tử vong lên đến 70%.
Triệu chứng: Da bị sậm màu lại, mang nhợt nhạt, mắt lồi, xuất huyết nhiều điểm trên da và mang. Nếu giải phẫu sẽ thấy có dịch trong xoang bụng, ruột bị chướng, sưng tụy, bong bóng xuất huyết.
Cách trị bệnh: Với bệnh xuất huyết mùa xuân, điều đáng lo ngại là chưa hề có thuốc đặc trị, chỉ có thể sử dụng vaccine nhưng khá tốn kém, khó áp dụng đại trà. Nên tốt hơn thì người chơi cá cảnh nên dùng các biện pháp phòng ngừa trước khi cá bị bệnh. Đầu tiên, điều chỉnh nhiệt độ nước ổn định trước khi thả cá, không nuôi cá với mật độ quá cao, dùng muối ăn tắm cho cá trong 15 phút theo tỷ lệ 300g muối pha vào 100 lít nước và bổ sung Vitamin C định kỳ để tăng sức đề kháng cho cá.
Bệnh lở loét
Nguyên nhân gây bệnh: Có rất nhiều tác nhân gây ra bệnh lở loét ở cá như vi khuẩn, virus, ký sinh trùng…. trong đó, nguyên nhân chính là tại nấm Aphanomyces Invadan, một loại nấm có hại len lỏi vào cơ thể để ăn thịt cá.
Triệu chứng: Khi ký sinh trùng xâm nhập, nếu cá có sức đề kháng yếu thì những bộ phận như da, vảy, chất nhờn… bị tổn thương làm vi khuẩn lan vào máu, tạo ra các vết viêm, lở loét, mắt lồi, cổ chướng có thể nhìn thấy rõ bằng mắt thường. Các vết lớn dần, lâu ngày làm cá bị chết.
Cách chữa trị: Dọn dẹp vệ sinh bể cá sạch sẽ để hạn chế nấm, định kỷ 2 lần mỗi tuần hòa vôi đều vào mặt ao theo liều lượng 2kg vôi với 100 mét khối nước. Trước khi thả cá vào bể, tắm cá trong NaCl(2-3%) trong khoảng 15 phút để tẩy sạch trùng và vi khuẩn ngoài da. Hạn chế tác động bên ngoài làm xước da, chảy máu cá.
Bệnh rận cá (Argulus)
Nguyên nhân: Bệnh rận cá gây ra bởi các loại ký sinh trùng có dạng hình đĩa tròn, dùng miệng tấn công cá, chọc thủng da, hút máu, chất dinh dưỡng đồng thời truyền nhiễm bệnh cho cá. Trong quá trình cắn cá, rận sẽ tiết ra cơ chất đặc trưng để thu hút thêm nhiều con rận khác. Sau một thời gian, vùng bị cắn lan rộng tạo thành vết loét.
Triệu chứng: Trên cơ thể xuất hiện các con rận nhỏ, sậm màu, lâu cá bị lở vây, đuôi, miệng, gầy, chậm lớn…. có thể làm cá chết dần mỗi ngày.
Cách chữa trị: Nếu phát hiện rận cá, lập tức dùng nhíp y tế gắp ra, xịt keo ong để cá không bị nhiễm trùng. Nếu không có keo ong, tắm cho cá bằng muối hột, thuốc tím, hoặc dung dịch sát khuẩn như là Iodine, Betadine, Povidine…
Cách phòng ngừa các loại bệnh cho cá.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh, câu nói này lúc nào cũng đúng. Hãy lưu ý các yếu tố sau để hạn chế tối đa tình trạng bệnh tật cá.
Yếu tố đầu tiên cần quan tâm là bể cá phải luôn được vệ sinh sạch sẽ. Nước trong hồ cá phải đã qua xử lý để có độ PH cũng như nhiệt độ phù hợp.
Thức ăn cho cá đã được khử trùng, đối với thức ăn sống thì phải làm sạch, đủ chất đạm, chất béo, vitamin…tuyệt đối không được cho thức ăn bị ôi thiu, để lâu ngày, dễ bị ký sinh trùng, vi khuẩn gây bệnh. Hơn nữa, thức ăn cũng phải đúng liều lượng và cho ăn đúng giờ, không tùy tiện tăng hoặc giảm lượng thức ăn cho cá.
Tăng cường kiểm tra sức khỏe để kịp thời phát hiện dấu hiệu bệnh và có biện pháp chữa trị hợp lý. Nếu không chắc chắn về bệnh của cá thì phải tham khảo qua bác sĩ thú y trước khi sử dụng thuốc chữa trị
Khi thả cá vào bể phải nhẹ nhàng, dùng vợt mềm, tránh làm xây xát hoặc chảy máu cá.
Mỗi loại cá có những đặc điểm riêng biệt nên nếu muốn nuôi nhiều loại cá khác nhau trong cùng một bể, người nuôi nên tham khảo ý kiến của người bán hoặc tốt hơn là bác sĩ thú y. Với thông tin về các bệnh thường gặp ở cá cảnh và cách phòng bệnh cho cá cảnh, rất mong sẽ giúp được độc giả có thêm kinh nghiệm để nuôi cá luôn khỏe đẹp, sống lâu.